Cabramatta – Ngày xửa ngày xưa

Đó là tiêu đề của bộ phim tài liệu về người tị nạn Úc do đài truyền hình SBS thực hiện và phát sóng vào tháng giêng 2012. Tôi vốn không mấy khi xem TV nhưng may mắn sao lại xem được phần hai của cuốn phim này.

Bộ phim là câu chuyện về Cabramatta, một quận nhỏ nơi có đông cộng đồng tị nạn Việt nam sinh sống, cách trung tâm Sydney 40km, hãi hùng vào những năm 1980-1990, thánh địa nguồn cung về ma túy, về các nhóm xã hội đen trong đó có nhóm anh chị “5T” là viết tắt của “Tuổi Trẻ Thiếu Tình Thương”, về vụ ám sát chính trị đầu tiên trong lịch sử nước Úc, về câu truyện đau thương của một cặp vợ chồng cố cứu đứa con mình duy nhất khỏi ma túy, về nhân vật “iêng hùng” một thời Tony Hoàng được Chúa cứu rỗi để trở thành một “role model”, anh được mời nói chuyện tại nhiều trường trung học để hướng các bạn trẻ không đi theo vết mà anh ta đã trải qua.

http://www.sbs.com.au/shows/onceuponatimeincabramatta/

Bộ phim hay khỏi nói, đặc biệt là đối với một người Việt như tôi, nhiều cảm xúc lẫn lộn khi xem bộ phim, một bà mẹ Tony Hoàng chỉ biết âm thầm chịu đựng và đón đứa con lầm lạc trở về, một ông bố cựu chiến binh rã rời bươn chải và chiến đấu giành lại đứa con nghiện ngập, về những đứa trẻ ngây thơ nghèo khó ngưỡng mộ sự no đủ và thịnh vượng nhưng không thể là một phần của xã hội ấy, sự cô lập khiến chúng lại túm tụm với nhau, đứa lanh lợi thì nhanh chóng tìm ra cách kiếm tiền, tất nhiên chỉ có thể là buôn ma túy…  anh Thắng Ngô đã dũng cảm đứng lên đại diện cho cộng đồng “kêu cứu”, có vậy chứ có kêu thì người ta mới nghe thấy.

Sau khi xem xong bộ phim, tôi lập tức vào trang web của SBS để xem người Úc nghĩ gì. Tôi rất ngạc nhiên và vui vì đa số họ đều có nhận xét rất tích cực với bộ phim, nhiều người tỏ ra thông cảm với cộng đồng người Việt, họ phê phán chính phủ đã không có những chính sách thỏa đáng hay các chương trình hỗ trợ toàn diện với những người dân tị nạn, đặc biệt một số người còn chúc mừng cái anh Tony Hoàng, một người từng là tội phạm, giờ đây trở thành người có ích cho cộng đồng. Tôi tin người ta nói thật lòng. Cái hay ở xã hội này là người ta rất bao dung với những người khốn khó, người ta cảm thông với hoàn cảnh cứ như người ta đã từng trải qua vậy, người ta mở rộng vòng tay với người phục thiện.

Tôi nghe nói Cabramatta giờ đây đã khác nhiều, nhiều người bình luận rằng sau khi bộ phim này phát sóng, Cabramatta sẽ là điểm đến “popular” cho những ai muốn thưởng thức món ăn Việt, văn hóa Việt.

Nói đến chợ Inala, quận Inala ở Brisbane thì khá nhiều người biết, người Việt ở Brisbane đều đi chợ ở đây, bạn có thể tìm được hầu hết tất cả các loại rau quả từ Bắc vào Nam ở chợ này, nó trông cũng không khác mấy một khu chợ ở Việt nam, lộn xộn, nhếch nhác, tấp nập người mua kẻ bán vào ngày cuối tuần.

Là một trong những người nhập cư vào Úc những năm gần đây, chúng tôi có nhiều lợi thế hơn nhiều so với những người tị nạn vậy, chúng tôi ra đi không phải vì lý do chính trị, hoàn toàn không phải lý do kinh tế mà đơn giản chỉ là một cơ hội ra thế giới, cuộc phiêu lưu này vất vả lo lắng nhiều nhưng phiêu lưu thì luôn mang lại sự hưng phấn.

Con người có thể thành đạt hay không tùy vào sự lựa chọn và khả năng, nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn hoàn cảnh để chọn sống không lương thiện bởi lẽ cái giá mà xã hội hay cộng đồng phải trả cho sự không lương thiện trong nhiều trường hợp là rất đắt.

Gần đây tôi có đọc một số báo người Việt ở Đông Âu than phiền về sự phân biệt mới thấy ở Úc tiến bộ hơn nhiều, dân mình khổ thật. Tôi không quên được cái hình ảnh lộn xộn, ngổn ngang của đám đông người Việt ở sân bay Matxcơva năm nào, một đứa trẻ 9 tháng tuổi khóc ngặt nghẽo cả đêm sau lưng tôi trong chuyến bay Matxcơva – Hà nội, bố nó mang về cho ông bà nuôi, mẹ nó còn phải ở lại để đi làm.Ở Việt nam mình nhiều người nhìn nước ngoài qua tranh ảnh nên thấy đẹp thấy sướng, Việt nam mình cũng nhiều tranh đẹp đấy.

Chúc mừng anh Tony Hoàng và gia đình!